Bánh gạo may mắn của người Hàn Quốc

0
181

            

Giống Tết Nguyên đán của Việt Nam, Tết cổ truyền của người Hàn Quốc (Seollal) diễn ra vào ngày 1/1 theo lịch âm và mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây không chỉ là thời điểm bày tỏ lòng hiếu kính, tưởng nhớ tổ tiên, mà còn là dịp các thành viên trong gia đình quây quần, cùng nhau ăn uống, trò chuyện.

Vào những ngày này, các bà nội trợ Hàn Quốc chuẩn bị mâm cơm năm mới với khoảng 20 món ăn truyền thống. Trong đó, canh bánh gạo (Tteokguk) mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong thời khắc tiễn đưa năm cũ và chào đón năm mới.

Bát canh gạo tteokguk là một trong những món ăn ngày Tết mang tính biểu tượng của văn hóa Hàn Quốc

Có một câu nói thường được người Hàn nhắc đến, đó là “Từ khi sinh ra đến lúc chết đi cuộc đời người Hàn Quốc đều có bánh gạo”. Từ Tết, cưới hỏi đến sinh nhật, không sự kiện trọng đại trong cuộc đời của người Hàn có thể trọn vẹn nếu thiếu bánh gạo. Với người Hàn Quốc, “tteok đặt trên cơm” vì ẩm thực xứ sở kim chi có tới khoảng 300 loại tteok, quen thuộc nhất là loại hình trụ dài màu trắng có thể ăn riêng và được nấu thành nhiều món khác nhau.

Tteok là món bánh truyền thống làm từ gạo nếp chín giã nhuyễn, nặn thành những chiếc bánh nhỏ, đem hấp hoặc chiên                

Vào Tết Nguyên đán, người Hàn ăn canh bánh gạo tteokguk, gồm nước hầm thịt, bánh gạo, ăn kèm trứng và ớt thái nhỏ, rong biển. Màu trắng của bánh tteok biểu thị cho sự tinh khiết – một năm mới khởi đầu tốt đẹp, may mắn. Hình dáng thuôn dài của bánh gạo tượng trưng cho công việc thuận lợi, làm ăn phát đạt. Những miếng bánh thái lát tròn mỏng lại tượng trưng cho đồng xu, mang ý nghĩa một năm dồi dào của cải.

Vào dịp Tết Nguyên đán, người Hàn có truyền thống ăn canh bánh gạo để chúc nhau sức khoẻ, thịnh vượng và may mắn

Bên cạnh đó, nếu muốn cầu một cuộc sống khỏe mạnh và trường thọ trong năm mới, người ta có thể dùng bánh gạo trắng dài. Khi ăn, ai cũng cố gắng không làm đứt miếng bánh và càng kéo dài bánh ra càng tốt. Người Hàn cho rằng họ không thể trưởng thành thêm một tuổi nếu không ăn một bát canh bánh gạo vào năm mới. Họ thường hỏi tuổi của nhau bằng cách nói: “Bạn ăn bao nhiêu bát tteokguk (canh bánh gạo) rồi?”.

Dù bình dân quen thuộc, nhưng đối với người Hàn Quốc, mâm cơm ngày Tết không trọn vẹn nếu thiếu món canh bánh gạo

Người Hàn mong muốn những ngày lễ đông vui, vì họ quan niệm một người tốt nên có nhiều bạn bè. Đối với họ, bánh tteok đem lại sức khoẻ, sự thịnh vượng và trường thọ. Để mong ước thành hiện thực, họ không ăn bánh gạo một mình mà chia sẻ với bạn bè và gia đình. Đó là lý do bánh tteok trở thành món không thể thiếu trong dịp năm mới./.

                                                                                (Nguồn: Vnexpress.net)