Từ xưa đến nay, mỗi dịp Tết đến xuân về, người Việt lại nhắc “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”. Vậy câu nói dân gian này có ý nghĩa gì?
Quan niệm “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” đã xuất hiện từ rất lâu trong văn hóa của người Việt, nhưng chưa xác định được chính xác nguồn gốc. Trải qua hàng nghìn năm, ý nghĩa câu nói đã trở thành một thành ngữ ăn sâu vào văn hóa truyền thống của người Việt Nam.
Câu nói “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” nhằm nhắc nhở mỗi người biết tỏ lòng biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và công giáo dục, truyền dạy kiến thức của các thầy giáo, cô giáo.
Trong đó, “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ” thì từ “cha” dùng để chỉ bên nội, từ “mẹ” dùng để chỉ bên ngoại. Vào mùng 1 Tết, các gia đình thường tập trung để chúc Tết bên nhà nội trước, sau đó, vào mùng 2 Tết, cả gia đình sẽ sang nhà ngoại chúc Tết. Ngày nay, người ta không còn quá phân biệt rõ ràng như vậy nữa mà thường gộp chung là mùng 1 và mùng 2 Tết cả nhà sẽ đi chúc Tết cả bên nội lẫn bên ngoại và người thân họ hàng.
Câu nói “mùng 3 Tết thầy” nhằm thể hiện lòng biết ơn với những người thầy, người cô đã dạy bảo chúng ta. Vào mùng 3 Tết, các học trò thường tới thăm và chúc Tết những người thầy, cô đã dạy họ, thể hiện truyền thống “tốt sư trọng đạo” của văn hóa Việt Nam. Ngày nay, vì nhịp sống hiện đại nên việc sắp xếp thời gian cũng không như trước. Mặc dù vậy, nét đẹp văn hóa chúc Tết, thăm hỏi thầy cô giáo cũ vẫn được duy trì trong mỗi dịp đầu năm.
Không chỉ có ý gợi nhắc đến việc những ngày đầu năm mỗi người cần phải thăm hỏi, chăm nom cha mẹ, thầy cô giáo, câu nói này còn giúp con cháu muôn đời sau lưu giữ nét đẹp về lòng biết ơn, tình yêu mến với bậc sinh thành, người dưỡng dục trong cuộc đời mình./.
(Nguồn: Tổng hợp)