Chùa Đồng Yên Tử – chốn linh thiêng ngàn năm mây trắng

0
143

Nằm cách thành phố Uông Bí khoảng 20 km về phía Tây, quần thể danh thắng Yên Tử tọa lạc sừng sững một góc trời Đông Bắc. Nơi đây được mệnh danh là trái tim của Phật pháp, là chốn giao hòa của vạn vật đất trời, nơi mà hàng triệu con dân phật tử hướng về tìm con đường an yên.

Chùa Đồng nằm ở đỉnh cao nhất dãy Yên Tử. Đây là ngôi chùa trên đỉnh núi bằng đồng lớn nhất châu Á. Chùa còn được dân gian ví như một “kỳ quan mới” tại danh thắng Yên Tử.

Chùa Đồng, còn được gọi là Thiên Trúc tự, được xây dựng vào thế kỷ thứ XVII Hậu Lê. Thuở ban đầu, chùa chỉ là một khám nhỏ bằng đồng. Cuốn Viêm giao trưng cổ ký viết: “Chùa Đồng do nội nhân họ Trịnh xây dựng, mái lợp toàn bằng ngói đồng, đúc tượng đồng. Đến thời Cảnh Hưng nhà Lê di chỉ chùa vẫn còn.” Trải qua năm tháng, mùa mưa bão thời vua Lê Cảnh Hưng vào năm 1740 đã quật ngã khám đồng, làm lật mái chùa, chỉ còn lại tàn tích là hố cột trơ trọi trên mỏm đá.

Chùa Đồng hiện nay là công trình kiến trúc độc đáo nhất Đông Nam Á, giống một đài sen nở với nét kiến trúc độc đáo

Năm 2006, chùa được đúc mới mang hình dáng đóa sen nở với trọng lượng 70 tấn. Kể từ ngày ấy đến nay, chùa Đồng vẫn là chốn thiêng mà bao du khách thập phương ao ước hành hương về chiêm bái. Chùa nổi tiếng trứ danh không chỉ linh thiêng mà còn về kiến trúc độc đáo. Địa thế chùa mang hình dáng của một đóa sen khổng lồ. Mỗi phía đá là một cánh sen đang nở rộ. Chùa Đồng tọa lạc chính giữa đài sen.

Mặc dù có cáp treo, nhưng quãng đường đi bộ để lên tới chùa Đồng tương đối dài và treo leo, với hàng nghìn bậc đá gập ghềnh xuyên qua bạt ngàn rừng tùng, rừng trúc… Đặc biệt, khi tiết trời vào xuân, mưa phùn lất phất, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác vén sương để tìm đường lên chùa Đồng

Trong chùa thờ tượng Phật Thích Ca và 3 pho tượng Tam Tổ Trúc Lâm. Tượng Thích Ca mặc áo cà sa, tọa thiền với tư thế kiết già. Ba pho tượng Tổ đều ngự trên đài sen, có trang trí hoa văn hình sen, cúc, sóng nước.

Từng tấc đất, cây cỏ, phiến đá ở Yên Tử đều gắn bó và có dấu ấn của cha ông, của Phật pháp, từ đó đất Yên Tử hóa đất thiêng với sinh khí dồi dào

Lễ hội xuân Yên Tử diễn ra hàng năm từ mùng 10 tháng Giêng và kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân. Người ta kháo nhau, lên được đỉnh chùa Đồng xát tiền, xát tay, cọ đầu vào chuông, khánh và cột ở chùa Đồng “lấy hên” thì cả năm làm ăn may mắn, phát tài phát lộc./.

                                                                                    (Nguồn: Afamily.vn)