Cứ vào tháng 11 âm lịch hàng năm, người dân sống ven các chân núi của tỉnh An Giang bắt đầu thu hoạch nông sản, trong đó, một loại củ có cái tên hơi lạ – củ huyền, vốn chỉ có ở vùng Bảy Núi mang đến thu nhập khá cho người trồng.
Nông sản xứ núi thường lệ thuộc vào thời tiết, củ huyền cũng không ngoại lệ. Củ huyền có hình dạng giống khoai tây, thuộc loài hoang dã, thích đất pha cát, chịu hạn khá tốt. Còn nước tưới thì tập trung lúc xuống giống, cây lên xanh là được. Nhờ vậy, bà con xen vườn cây ăn trái, vườn trồng cây rừng.
Muốn có được 1 ký bột huyền trắng, người ta phải sử dụng đến 5kg củ huyền nguyên liệu để chế biến. Nếu so với bột nếp, bột gạo, chế biến bột huyền xứ núi kỳ công hơn, sản xuất trong điều kiện khô ráo, đủ độ nắng đảm bảo bột mới trắng, người tiêu dùng thấy thích bán mới chạy. Khác với các loại quả, củ khác, xứ núi này, bà con coi củ huyền như loại dược liệu, sản lượng ít nên càng quý hiếm nữa.
Tuỳ thời tiết mưa nhiều hay ít mà huyền cho củ to hoặc nhỏ. Đặc biệt loài củ này cho nhiều bột khi trồng trên vùng đất cát vùng Bảy Núi. Ngoài ra, thời gian thu hoạch cũng quyết định chất lượng bột, nên lấy củ sớm trước tết cổ truyền. Bởi càng kéo dài thời gian trồng, củ to nhưng lượng bột sẽ ít.
Từ bột huyền, có thể chế biến nhiều loại món ăn và thức uống bổ dưỡng cơ thể, trị các chứng bệnh thông thường. Du khách từ xa đến tham quan, du lịch đều tìm mua loại nông sản này. Nhờ vậy, những năm gần đây giá củ huyền khoảng 6.000-7.000 đồng mỗi kg, giá bột từ 60.000 đồng lên 80.000 đồng mỗi kg.
Cùng với nhiều nghề thủ công bị mai một, người trồng củ huyền và chế biến lấy bột vẫn duy trì sản xuất và nét sinh hoạt xứ núi. Không những thế, bà con còn khai thác “nông – lâm kết hợp” tạo ra mô hình mới, giới thiệu nông sản độc đáo đến người hành hương và du khách gần xa./.
(Nguồn: Báo An Giang)