Trong những ngày Tết nguyên đán, mâm cỗ dâng cúng ông bà, tổ tiên luôn được chuẩn các gia đình Việt bị kỹ lưỡng với tất cả sự thành tâm. Dù là của miền nào đi nữa thì mâm cỗ ngày Tết đều mang ý nghĩa đoàn viên, thân tình. Đây cũng là giá trị cao cả nhất của Tết cổ truyền Việt Nam.
Với người miền Bắc, mâm cỗ ngày tết luôn được cân đo, đong đếm sao cho hài hoà. Từ sắc – hương – vị cho đến sự kết hợp các món thịt – rau, khô – nước… Linh hồn của bữa cơm ngày Tết là bánh chưng xanh, tiếp đến là thịt đông, dưa hành và không thể thiếu gà luộc. Các món ăn kèm có giò lụa, nem rán, cải chua, nộm…Đại diện cho món nước có giò heo hầm măng và lưỡi heo, miến lòng gà…
Chắc không ai là không biết tới khoanh giò lụa ngon nổi tiếng của người Bắc. Nhưng vào ngày Tết người ta lại làm giò từ thủ lợn xắt nhỏ và mộc nhĩ. Món này còn có tên gọi là giò hoa, gần giống như thịt đông, ăn kèm với đồ muối. Đây chính là món ăn đầu xuất hiện trong câu đối “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ – Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.
Những viên mọc nhỏ trong bát bún phở nay được làm cầu kì cho vào bát canh nấm nóng hổi. Trong mâm cúng còn có một đĩa xôi gấc đỏ đóng khuôn hoa bên cạnh chiếc bánh chưng xanh mướt mát thể hiện mong ước một năm mới may mắn và đủ đầy. Nhìn chung, mâm cơm ngày tết miền Bắc tinh tế, hài hoà về màu sắc, cách bày trí và mang đậm hương vị Việt Nam. Ngoài những món cổ truyền, trên mâm cơm ngày tết còn có chè kho và mứt sen dùng để đãi khách đến chơi nhà.
Còn mâm cơm ngày tết miền Trung thì gần gũi và mộc mạc, như chính phẩm chất đặc trưng của người dân vùng ven biển. Do đặc trưng địa lý nên thường là các món mặn, có thể bảo quản được lâu. Một trong những món đặc sắc phải kể đến là thịt heo ngâm nước mắm đường. Thịt được thái mỏng cuốn với rau sống, bánh tráng hoặc ăn kèm với bánh tét, cơm hay dưa món. Ưu điểm của món này là có thể bảo quản trong vài tuần.
Mỗi món bày lên một chiếc đĩa nhỏ và sắp lên mâm cùng bát đũa. Đặc biệt mâm cơm cúng Tết của nhiều gia đình miền Trung không có những đồ ăn dạng sợi như miến và không dùng tỏi khi chế biến. Những điều kiêng kị này đều do truyền thống gia đình lâu đời mà thành.
Trong khi đó, đặc điểm nổi bậc của mâm cơm ngày Tết miền Nam là sự phong phú, trẻ trung, có khả năng biến hoá đa dạng. Các món ăn không bị rập khuôn quá nhiều về hình thức hay cách lựa chọn. Mâm cơm cúng miền Nam cũng thể hiện tính cách đặc trưng của người dân nơi đây: hào sảng và rất yêu đời.
Mâm cỗ tết miền Nam không thể thiếu thịt kho trứng kèm dưa chua, giá chua, canh khổ qua và bánh tét. Để thể hiện sự đầy đủ, sung túc, mâm cỗ miền Nam còn có thể kết hợp những món lạ ngày Tế. Một bát canh khổ qua ẩn dụ cho mong ước may mắn cho năm mới, qua đi hết những điều muộn phiền, khổ hạnh. Một đĩa thịt kho hột vịt lại là món ăn dân dã nhưng thể hiện rõ nhất nguyên lý âm dương khi hầm nhừ những món ăn giàu năng lượng.
Ngày nay, tuy nhịp sống tất bật hơn nhưng mọi gia đình đều cố gắng chuẩn bị mâm cỗ Tết chu đáo để cúng gia tiên. Đây cũng chính là lý do bữa cơm ngày Tết để lại nhiều cảm xúc khó quên trong mỗi người con đất Việt. Đó là một bữa cơm có ý nghĩa đặc biệt, là nơi để chúng ta hướng về, là tình thân và những lời chúc tốt đẹp cho một năm mới bình an./.
(Nguồn: Tổng hợp)