Canh bóng thả là một món ăn đặc sắc của ngày Tết, một trong bốn bát tượng trưng cho “tứ trụ” không thể thiếu trên mâm cỗ: bóng, vây, măng, miến. Gọi là “canh bóng thả” vì nguyên liệu chính của món ăn là từ da lợn, nhìn vào trông giống như những chiếc bóng thả trên mặt bát canh. Món ăn này không chỉ gói trọn mùa xuân, còn là biểu trưng cho sự thanh tao của ẩm thực cổ truyền miền Bắc.
Nếu ngày Tết người miền Nam ăn canh khổ qua với ước mong mọi điều khó khăn trong năm tới có thể bay biến hết thì người miền Bắc lại chọn canh bóng thả. Có lẽ cha ông ta đã nhận ra rằng canh bóng thả với nguyên liệu phong phú và muôn vàn vị ngọt hòa quyện là phù hợp hơn hết thảy để gửi gắm nguyện ước một năm vạn sự ấm êm, tưng bừng khởi sắc.
Bát canh bóng ngày xuân còn ẩn chứa những tinh tế và cầu kỳ của nếp nhà xưa, với tôn chỉ rằng mọi công việc bếp núc đều cần chỉn chu, và một món ăn thì cần muôn phần tầng lớp, không chỉ là bài trí, hương vị, mà còn là chiều sâu tinh thần được gửi gắm trong đó.
Dấu ấn của sự cầu kỳ, chỉn chu hiện lên ngay từ khâu chuẩn bị nguyên liệu. Những thứ giản đơn, nhưng qua bàn tay khéo léo, tinh tế của bà, của mẹ lại trở thành một món ăn thanh nhã, tinh hoa của cả một nền ẩm thực cổ truyền.
“Bóng” là phần bì heo (da lợn) qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ mới có thể dùng để nấu canh. Theo lối xưa, phần bì được chọn trước hết cần cạo sạch lông, mà phải là cạo chín bằng nước sôi, sau là lạng hết mỡ còn sót dưới bì. Lạng càng khéo, bì càng trong và không bị vương mùi ngầy ngậy của mỡ. Điều này tối quan trọng, vì dù canh bóng lấy nguyên liệu chính là bì lợn, nhưng phải nấu sao để ra được vị trong thanh, nhẹ nhõm chứ không mỡ màng, kẻo khi ăn cùng món canh măng móng sẽ dễ ngán.
Canh bóng là tổng hòa của cái ngon mắt và ngon miệng trong ẩm thực dân tộc. Trong mâm cỗ Tết linh đình, món canh bóng thả luôn có một vị trí khiêm nhường, không hào nhoáng nổi bật như đĩa gà luộc và không nức mũi thơm lừng lên như bát canh măng. Vậy nhưng món ăn này vẫn mời gọi, quyến rũ.
Canh bóng phải được thưởng thức lúc nước dùng còn nóng, khi mùi tôm nõn, nấm hương vẫn còn thơm đưa đẩy. Gắp miếng bóng và nếm thử, vị giác như được mơn trớn bởi phần nước dùng tinh túy ngấm trong bóng trào ra, miếng bóng dai, mềm mướt đưa miệng vô cùng. Hương sắc mùa xuân nằm hết trong vị ngọt của nước dùng, nước xương ngọt lịm, tôm ngọt lừ, củ quả mùa đông ngọt thanh và nấm hương ngọt đằm, tất cả tạo nên một phong vị khó quên của bát canh ngày Tết.
Ngày nay trong mâm cỗ Tết, gia chủ thích món gì thì dâng cúng món ấy, cao lương mỹ vị có thể đủ cả. Song những thức đắt tiền này, dù cũng ngon lành đó, lại chẳng thể nào gợi lên phong vị của ngày lễ cổ truyền. Chỉ bát canh bóng thả ngọt lành quen thuộc trên mâm cúng mới giúp chúng ta tìm thấy hồn xưa nếp cũ, mới thấy xuân về mà khắc khoải bồi hồi rằng “À, hóa ra Tết đã ở ngay đây”. Những mùa Tết xưa tưởng chừng đã mãi xa, nếu như không có bát canh bóng thả âm thầm níu giữ lại.
(Nguồn: Vnexpress.net)