“Ai bánh đa kê nào”, tiếng rao quen thuộc này có lẽ đã đi vào ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ xưa. Chẳng hiểu tự bao giờ, bánh đa kê lại được lũ trẻ con yêu thích đến thế. Chiều đi học về mà vô tình gặp được cô bán bánh đa kê nào cất tiếng rao là thích lắm, liền bảo mẹ mua cho rồi ngồi nhấm nháp. Chiếc bánh dân dã ấy trở thành thức quà vặt đáng nhớ, nhất là khi tiết trời bắt đầu se lạnh.
Tưởng chiếc bánh đa giòn rụm kia khó mà kết hợp được với cái vị mềm, mát của hạt kê nấu nhừ. Thế nhưng, nó lại có hương vị rất lạ nhờ sự cộng hưởng của lớp đường kính ngọt và đậu xanh thơm thơm bùi bùi.
Lần lượt, lớp bánh đa ở ngoài cùng, rồi phết lớp kê, sau đó là rải một lớp đường kính trắng mỏng và cuối cùng dùng phủ một lớp đậu xanh lên trên cùng. Có hàng còn cho thêm một chút dừa tươi nạo, khiến mùi vị thêm hấp dẫn. Công đoạn cuối cùng trước khi thưởng thức là dùng dao cắt bánh làm đôi và gập lại sao cho khéo để hai nửa bánh trùng khín vào nhau mà không bị vỡ. Được ăn cái bánh đa kê giòn rụm, thơm thơm sau khi đi học về thì còn gì thú bằng. Bởi thế mà chiếc bánh đa kê như gợi nhớ về một thời tuổi thơ xưa, rất xưa.
Ăn bánh đa kê cũng không thể vội vàng như các món khác. Miệng nhai tai nghe tiếng ròn tan của bánh đa, vị ngọt của đường cát thấm vào chân răng và vị thơm bùi ngậy của đậu xanh. Lúc ấy người ta tạm quên đi cái hối hả của thị thành, mà cảm thấy hương đồng gió nội phảng phất đâu đây. Thời gian như dừng lại bên mẹt bánh.
Trong cái tiết trời oi bức, ngột ngạt của nắng, vị giòn – mát – ngọt – bùi của bánh đa kê làm chúng ta không thể cưỡng lại. Bốn vị giòn – mát – ngọt – bùi của bánh đa kê cũng giống như sự giao hoà của bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông vậy. Nó khiến ta nhớ mãi không quên./.
(Nguồn: Tổng hợp)