Núi Phạm Tịnh là thuộc tỉnh Quý Châu, được người dân Trung Quốc gọi là bồ đề của Phật Di Lặc. Núi này cao khoảng 2.500m so với mặt nước biển, sừng sững với mây mù vây kín quanh năm, được ca tụng như “tiên cảnh nhân gian”.
Trên đỉnh núi này có 2 ngôi chùa có kiến trúc rất độc đáo với nhiều bí ẩn chưa được giải đáp. Hai ngôi chùa nằm trên hai đỉnh chóp đá tách đôi của núi Phạm Tịnh, nối liền với nhau bằng một cây cầu đá trông vô cùng hiểm trở. Hai ngôi chùa thờ phụng tín ngưỡng Phật giáo khác nhau. Một bên thờ Thích Ca Mâu Ni, nên được gọi là điện Thích Ca, tượng trưng cho hiện tại. Một bên là thờ Phật Di Lặc, nên được gọi là điện Di Lặc, tượng trưng cho tương lai.
Điều thần kỳ là hai ngôi chùa này có những đám mây màu đỏ hồng vây quanh vào mỗi buổi sáng, từ đó người ta gọi đỉnh núi tách đôi Phạm Tịnh là “Hồng Vân Kim Đỉnh”. Đường đi lên núi rất khó khăn và trắc trở. Du khách chỉ có thể leo lên bằng những bậc thang đá nhân tạo, có tổng cộng hơn 8.000 bậc thang. Đứng trên đỉnh núi, được vây bởi mây ngàn, khiến cho con người có cảm giác như lên tiên cảnh. Người đến bái Phật cũng tự giác lặng yên, thả chậm bước chân, thành tâm xếp hàng để vào điện cúng Phật.
Chính vì địa hình độc đáo như vậy nên rất nhiều người muốn đến đây hành lễ bái Phật, nhưng nếu không có thể lực tốt thì không thể nào leo lên đỉnh núi được. Vì đường lên núi có độ rủi ro cao nên núi Phạm Tịnh luôn giới hạn số lượng du khách được tham gia mỗi ngày, người già và trẻ em được kiến nghị không nên leo lên đỉnh núi.
Đến thời điểm hiện tại, giới nghiên cứu vẫn chưa trả lời câu hỏi được làm thế nào để người Trung Quốc xưa có thể xây chùa trên đỉnh núi cao như vậy, không hề có tư liệu về cách vận chuyển vật liệu xây dựng lên núi. Theo sử sách ngôi chùa trên núi Phạm Tịnh đã tồn tại qua hơn 500 năm lịch sử từ thời nhà Minh./.
(Nguồn: Vietnamplus.vn)