Nằm khuất trong một con đường nhỏ gần công viên Rừng Seoul, quán cà phê Green Lab chỉ có 10 ghế và có yêu cầu đặc biệt với khách hàng của mình. Điều kiện để khách ngồi trong quán là không nói chuyện, điện thoại để chế độ im lặng, bỏ giày dép bên ngoài. Quy tắc này được đặt ra nhằm giúp các vị khách hoàn toàn thư giãn.
Sau bữa trà tại Green Lab, khách hàng có thể đọc sách, làm thơ, thiền hoặc đơn giản là ngắm nhìn những tán cây hay ngồi im, thơ thẩn, không suy nghĩ về để đầu óc trống rỗng. Khách đến Green Lab đều được phát một túi quà tặng, trong đó có trà, hoa và giấy, bút để viết những thứ mình thích lên đó.
Nhiều người chọn đến Green Lab như một cách nhấn nút “dừng” cho tinh thần, có khoảnh khắc cho riêng mình. Họ có thời gian đọc sách, tận hưởng mùi tinh dầu, ngắm hoa, sáng tác thơ, từ đó họ được tiếp thêm năng lượng và cảm thấy sảng khoái vì những thay đổi tích cực.
Green Lad mở cửa trước đại dịch, theo một xu hướng mới nổi khuyến khích thực hành “nghi lễ” chăm sóc bản thân hàng ngày. Ban đầu, khách hàng bỡ ngỡ với ý tưởng đến một quán cà phê để dành thời gian cho chính mình. Nhưng giờ quán gần như luôn kín chỗ mỗi ngày và ít khi thừa chỗ cho khách vãng lai, dù lượng ghế đã tăng gấp ba.
Người Hàn Quốc dùng tiếng lóng để chỉ xu hướng ngồi ngơ ngẩn này là “hitting mung”, trong đó “mung” là trạng thái trống rỗng. “Mung” có thể ghép với rừng cây vào cuối thu khi lá thay màu, đi với lửa cho những trải nghiệm ngắm nhìn đống lửa trại, và ghép với nước để chỉ những hoạt động thiền định ven sông hồ. Khái niệm này đang lan rộng ra một số không gian công cộng.
Những không gian và trải nghiệm như vậy không hẳn là một hiện tượng phổ biến. Nhưng giới nghiên cứu cho rằng chúng có thể phát triển ở Hàn Quốc vì mô hình này nắm bắt được cảm giác bị mắc kẹt và cô đơn của con người trong hai năm dịch bệnh./.
(Nguồn: Vnexpress.net)