Là một công trình kiến trúc cổ được xây dựng “âm sâu” trong lòng núi, tu viện Vardzia thực sự là điểm dừng chân đầy ấn tượng, rất đáng để du khách tham quan khi có dịp đến Georgia. Đây là một quốc gia khiêm tốn nằm trên ranh giới Đông Âu và Tây Á với hơn 800 năm lịch sử.
Năm 1185, nữ hoàng Tamar lên ngôi tại Georgia. Để kỷ niệm những năm cầm quyền, bà quyết định xây một vương quốc theo cách của riêng mình, đó là thành phố hang động Vardzia bên sườn núi Erusheti, thấp thoáng sau một thung lũng tươi tốt được tô điểm bởi dòng sông Kura.
Vào thời đó, Vardzia là khu mỏm đá bao gồm 6.000 phòng trải rộng trên 19 tầng, bao gồm 25 hầm rượu, một nữ tu viện, 15 nhà nguyện và một tiệm thuốc, tất cả kết hợp với nhau để tạo nên một thành phố và tu viện thời Trung cổ sôi động. Hàng loạt hang động và căn phòng phức tạp đã được khoét sâu vào lòng của dãy núi Erusheti, trong số đó có một đường hầm thoát hiểm bí mật và một dãy nhà cụt để gây hoang mang cho kẻ thù.
Vardzia nhanh chóng phát triển từ một pháo đài khiêm tốn thành một tu viện, trung tâm văn hóa và thành trì tấn công rộng lớn. Thành phố đá này là nơi sinh sống của khoảng 2.000 nhà sư, hàng chục nghìn cư dân nhờ có ruộng bậc thang màu mỡ và hệ thống tưới tiêu phức tạp, trước đó thậm chí đây còn là một thành phố tự duy trì.
Tuy nhiên, thời kỳ hoàng kim của thành phố Vardzia khá ngắn ngủi. Vào năm 1283, một trận động đất đã làm rung chuyển khu vực, phá hủy hơn 70% thành phố và làm đổ bức tường bên ngoài trong một trận lở tuyết. Cộng đồng tu viện tồn tại thêm trong khoảng 300 năm nữa cho đến khi bị quét sạch bởi các cuộc đột kích.
Hiện nay, có khoảng 500 hang động còn sót lại ở Vardzia. Phòng bào chế thuốc với giá để đồ đẽo gọt cẩn thận vẫn còn nguyên vẹn. Các hầm rượu vẫn còn giữ nguyên những vại ủ rượu. Sâu bên trong lòng núi là mê cung đường hầm, một số đường hầm dài hơn 183 m nối liền với nhau như mạng nhện. Phòng ăn trong thành phố còn lưu giữ các hàng ghế đó và lò để nấu nướng./.
(Nguồn: CNN)