Tục gói chưng ngày Tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, được lưu truyền từ xa xưa đến tận ngày nay, thể hiện nét đẹp của nền văn hóa lúa nước. Mỗi khi Tết đến xuân về, người người, nhà nhà lại gói bánh chưng ăn Tết, dâng bánh lên bàn thờ tổ tiên.
Tục gói bánh chưng, bánh dày tồn tại ở nước ta từ thời đại Vua Hùng và đi cùng lịch sử dân tộc. Trải qua hơn 1000 năm Bắc thuộc và gần 100 năm dưới ách đô hộ của thực dân phương Tây, phong tục gói bánh chưng dâng lên tổ tiên vẫn không hề mai một.
Theo truyền thuyết “Bánh chưng, bánh dày”, vào đời Hùng Vương thứ 6, nhân dịp giỗ tổ, vua Hùng triệu tập các con đến và truyền rằng: ai tìm được món lễ vật dâng lên tổ tiên hợp ý vua sẽ được nhường ngôi. Người con trai thứ 18 tên là Lang Liêu tính tình hiền hậu, lối sống đạo, không thể tìm những sản vật quý hiếm về dâng vua cha nên đã dùng những nông sản thường ngày gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong để làm ra hai loại bánh chưng và bánh dày tượng trưng cho trời và đất làm lễ vật dâng vua.
Lễ vật của Lang Liêu rất hợp ý vua Hùng và ông đã truyền ngôi cho Lang Liêu. Từ đó, bánh chưng, bánh dày trở thành lễ vật linh thiêng trong nghi thức thờ cúng tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn đối với ông cha, là món ăn không thể thiếu của người dân Việt Nam những ngày Tết.
Vào những ngày cuối năm, những người con xa quê ai ai cũng mong hoàn thành sớm công việc của mình để được về đoàn tụ với gia đình. Bởi ai cũng muốn được cùng với gia đình quây quần gói bánh chưng dâng cúng tổ tiên, ông bà.
Ngày xưa, trước Tết khoảng 2,3 ngày, nhà nhà thường chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng để đến ngày 30 Tết cả nhà quây quần trước sân, cùng lau lá, đãi đỗ, vo gạo, ướp thị để gói bánh. Nhưng có lẽ vui nhất là công đoạn nấu bánh và chờ bánh chín, ngoài trời sương lạnh, buốt giá không át được không khí ấm nồng quanh bếp lửa hồng.
Với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn tụ. Những chiếc bánh đẹp, dày dặn, vuông thành sắc cạnh được dành riêng để bày bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, bánh nhỏ gói riêng cho trẻ con như món quà đầu năm…
Chính vì ý nghĩa nhân sinh, ý nghĩa văn hóa và cả ý nghĩa tinh thần đó mà tục gói bánh chưng, bánh dày ngày Tết đã trở thành tục lệ cổ truyền. Cứ vào dịp 27, 28 Tết hàng năm, các gia đình đều tất bật chuẩn bị cho phần gói bánh chưng, bánh dày. Lúc này, ông bà cha mẹ anh em quây quần bên nhau, mỗi người phụ một tay để làm nên những cái bánh thật đẹp, thật ngon dâng lên ông bà tổ tiên trong ngày đoàn tụ sum vầy.
Chẳng thế mà dân gian Việt Nam có câu:
Bên ngoài xanh lá dong xanh
Bên trong nếp mỡ, đỗ hành hạt tiêu
Gói nghĩa tình, gói yêu thương
Dẻo thơm từ thuở Lang Liêu tới giờ./.
(Nguồn: VTC)