Độc đáo nghề làm đường phên truyền thống ở Cao Bằng

0
274

Huyện Phục Hòa nằm ở phía Đông tỉnh Cao Bằng, là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Tày, Nùng với nhiều truyền thống văn hóa còn được bảo tồn, gìn giữ. Cuộc sống của đồng bào ở đây gắn liền với nghề nông và trồng mía. Trong đó, Phục Hòa là một trong những huyện có diện tích trồng mía lớn nhất tỉnh Cao Bằng. Từ cây mía, người dân đã sáng tạo ra một loại đặc sản, đó là đường phên.

Làng nghề Bó Tờ ở Cao Bằng có 150  hộ, chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, trong đó có 85 hộ sản xuất đường phên truyền thống

Đường phên Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng nổi tiếng thơm, ngọt được người dân nơi đây lưu giữ và phát triển nghề truyền thống để tăng thu nhập. Những ngày gần Tết, nhu cầu làm các loại bánh truyền thống tăng cao nên các làng nghề làm đường phên bắt đầu nhộn nhịp hơn.

Cận Tết, nhu cầu mua bánh truyền thống tăng nên việc thu hoạch mía- nguyên liệu chính của đường phên cũng tất bật hơn

Đến xã Vinh Quý, huyện Hạ Lang vào dịp giáp Tết, mùi thơm của mật mía đang độ chín như có sức hút vô hình. Cái lạnh như tan biến vì những chảo mật mía đường sôi, phả ra mùi thơm rất tự nhiên của mật mía. Trước đây, khi chưa có máy móc hiện đại, nhiều hộ phải dùng chung một cỗ máy ép mía được kéo bằng sức trâu rất vất vả và mất nhiều thời gian. Ngày nay, công đoạn ép mía đều dùng bằng máy, nước mía được ép sẽ chảy theo máng tre xuống thẳng chảo trên lò đang đun nóng.

Công đoạn làm đường phên không phức tạp nhưng đòi hỏi sức khỏe và việc canh lửa đều để có những mẻ đường thơm ngon

Sau khi sôi, váng bẩn được vớt ra ngoài để lọc lấy tinh chất đường, lúc này, mùi thơm mật mía theo gió tỏa đi khắp nơi. Sau khi đun chừng vài giờ đồng hồ, mật mía đã quánh đặc được đưa vào máy khuấy đều. Khi mật mía chuyển sang màu nâu sẫm thì được đổ ra khuôn để khoảng hai giờ đồng hồ, đường phên đông cứng lại, sau đó được cắt thành từng miếng nhỏ khoảng1kg.

Đây là loại đường đặc biệt, có vị thanh, nhẹ, đậm hương thơm mát của mía, dùng để nấu chè hay ăn với bánh đều rất ngon

Xóm Bó Tờ là cái nôi của làng nghề truyền thống mía đường, làng nghề có từ những năm 50 của thế kỷ trước. Hàng năm, vào tháng 11, sau mỗi vụ mùa thu hoạch, nông dân làm những mẻ đường phên ngọt lành, mang tinh túy của những cây mía tươi tốt. Sản phẩm được bán tại chợ phiên và các huyện lân cận.  

 Những miếng đường ngọt được nấu thành nhiều món ngon cũng là tình cảm chân thành của người dân xóm Bó Tờ

      Vào tết Nguyên đán, bà con dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng có phong tục làm bánh khảo, bánh chè lam, bánh gio, bánh khẩu … để dâng cúng lên ông bà, tổ tiên. Và những miếng đường phên ngọt ngào để làm nguyên liệu bánh Tết càng không thể thiếu được. Có dịp đến với mảnh đất Cao Bằng, du khách hãy mua đường phên làm quà để cảm nhận vị Tết của miền sơn cước./.                                                             

                                                                        (Nguồn: Vnexpress.net)