“Tháng Giêng là tháng ăn chơi” là câu ca dao lưu truyền từ thời xa xưa, thể hiện điểm đặc trưng trong thói quen sinh hoạt của người Việt. Thuở xưa, khi nước ta còn thuần nông nghiệp, đa phần người dân chỉ quen với ruộng vườn, đồng áng. Người làm nông vất vả, một nắng hai sương, khi hết mùa vụ cũng không được thảnh thơi mà phải chăn nuôi, trồng thêm hoa màu. Cả năm trời đằng đẵng đầu tắt mặt tối như vậy, ai ai cũng đều muốn được nghỉ ngơi một vài ngày để vực lại tinh thần cũng như sức khỏe.
Tổ tiên của chúng ta lựa chọn Tết làm dịp nghỉ lễ, vì đây là thời điểm bắt đầu năm mới. Theo quan niệm xưa, năm mới được nghỉ ngơi nhàn hạ, ăn uống no đủ, vui chơi thỏa thích thì cả năm cũng được may mắn. Phong tục nghỉ Tết Nguyên Đán với những ý nghĩa tốt lành kéo dài cho tới tận bây giờ, như một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Tết Nguyên Đán chú trọng nhất khoảng thời gian bốn ngày 30, mùng 1, mùng 2, mùng 3 Tết, tuy nhiên dư âm của Tết thì vẫn còn kéo dài cho đến tận hết tháng Giêng.
Với những phong tục vừa mang tính cầu ước, vừa mang tính giải trí được người dân ưu tiên lựa chọn. Đặc biệt, với Tết Nguyên tiêu – Rằm tháng giêng, lễ rằm được xem là quan trọng nhất trong năm, ngoài chuyện làm Lễ cũng ông bà tổ tiên, thì việc nhân cớ đó để kéo dài một kỳ chơi xuân cho đến gần hết tháng Giêng lại là cái cớ vẫn được xem là “hợp lý”. Nhưng cũng chính câu ca dao “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” lại là lời nhắc nhở nhẹ của ông cha với con cháu, có du xuân, có cầu may, nhưng đừng bê trễ công việc mà làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình.
Nếu xét từ quan niệm văn hóa, phong tục, thì việc cầu tài lộc, cầu an, may mắn cho gia đình trong một năm hoàn toàn phù hợp, vì đó là nhu cầu tinh thần để mong sự an yên cho một năm mới. Nhưng lạm dụng quan niệm coi tháng Giêng là tháng “ăn chơi” để bê trễ công việc, khiến bản thânlười biếng ngay sẽ ảnh hưởng đến công việc và mất đi những cơ hội. Do vậy, tháng Giêng đầu tiên của năm, lại nhân là mùa xuân chỉ nên là một kỳ nghỉ để chuẩn bị cho một năm lao động hăng say.
(Nguồn: Tổng hợp)